ần 2 tháng sau khi các nhà máy sản xuất thép của Trung Quốc được thông báo rằng họ phải ngừng nhập khẩu than từ Australia, các bên liên quan cũng như giới chuyên gia, phân tích trong ngành chia sẻ với Fastmarkets về hệ quả của quyết định trên và dự báo cho thời gian tới.
Các công ty sản xuất thép tại Trung Quốc được thông báo “bằng miệng” trong dịp nghỉ Tuần lễ Vàng (từ 1/10 đến 8/10) rằng họ phải lập tức ngừng nhập khẩu than từ Australia, theo thông tin ghi nhận bởi Fastmarket đưa tin ngày 12/10. Vài ngày sau đó, các công ty sản xuất thép tại Ấn Độ và Đông Nam Á nhận được nhiều hơn những lời chào mời than mỡ luyện cốc giao ngay từ Australia.
Ngay sau khi thông báo được công bố, giá than mỡ luyện cốc của Australia giảm trên thị trường giao ngay. Ngày 9/10, chỉ số DBCT giá than mỡ luyện cốc của Fastmarkets đứng ở 132,82 USD/tấn. Chỉ số này tụt xuống 104,4 USD/tấn vào ngày 13/10. Vào ngày 4/12, chỉ số này tiếp tục xuống 102,62 USD/tấn.
Các công ty luyện kim nằm ngoài Trung Quốc như châu Âu và Ấn Độ, hưởng lợi vì giá than mỡ luyện cốc chất lượng cao và các lô hàng giao ngay giảm mạnh.
Gần đây, một số công ty khai mỏ của Australia chào hàng than mỡ luyện cốc khối lượng thấp ở mức ngang bằng so với các đơn hàng khối lượng trung bình hoặc thậm chí là thấp hơn, đối với các khách hàng Ấn Độ. Một nhà sản xuất than cốc tại Ấn Độ cho biết sản phẩm than mỡ luyện cốc khối lượng trung bình phù hợp hơn đối với các công ty sản xuất thép có lò nung.
Giá than mỡ luyện cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng khi quy định ngừng nhập khẩu được ban hành hồi đầu tháng 10, và điều này cũng đang xảy ra với giá than mỡ luyện cốc đến từ Mông Cổ. Hơn nữa, giá các sản phẩm than mỡ luyện cốc chất lượng cao có nguồn gốc từ Canada và Mỹ – được coi là những sự lựa chọn tốt cho than mỡ luyện cốc của Australia tại Trung Quốc – nhập khẩu trên thị trường giao ngay cũng có tăng trưởng.
Công nhân trong một nhà máy thép ở Đại Liên, Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Hồi kết cận kề?
Phần lớn những bên liên quan tại Trung Quốc cho biết lệnh cấm có liên quan đến quan hệ ngoại giao song phương đang rất “căng thẳng” trong thời gian gần đây, và đưa ra cái nhìn tương đối bi quan về khả năng lệnh cấm sớm được gỡ bỏ.
“Tôi không cho rằng lệnh cấm này sẽ được gỡ bỏ sớm. Trong bối cảnh mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và Australia, tôi sẽ không ngạc nhiên gì nếu như lệnh cấm này sẽ được duy trì tới hết quý I, thậm chí là tới hết nửa đầu năm 2021”, một người liên quan cho biết.
“Cho dù Australia sở hữu giá than mỡ luyện cốc chất lượng cao ở mức thấp hơn so với các công ty khai thác mỏ nội địa, Trung Quốc vẫn có những sự lựa chọn thay thế”, theo một nhà sản xuất than cốc tại Trung Quốc.
“Đầu tiên, Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào nguồn cung than mỡ luyện cốc nội địa – chỉ 10% tổng sản lượng tiêu thụ được nhập khẩu. Thứ hai, các công ty sản xuất thép có thể tìm kiếm nhà cung cấp mới bên ngoài Australia. Ví dụ, một nhà máy sản xuất thép đã mua sản phẩm than mỡ luyện cốc chất lượng cao từ Canada và Mỹ với mức giá cao hơn. Thứ ba, phần lớn các nhà máy sản xuất thép có thể dần dần điều chỉnh tỷ lệ hỗn hợp than nguyên liệu của họ nhằm đối phó với tình trạng thiếu hụt than nhập khẩu từ Australia”.
“Trừ khi tình hình căng thẳng giữa hai quốc gia hạ nhiệt, lệnh cấm mới được gỡ bỏ. Không ai có thể biết chính xác khi nào chúng tôi được nhập khẩu than từ Australia trở lại”, một công ty chế biến thép ở miền đông Trung Quốc chia sẻ.
Trong khi đó, các nguồn tin từ thị trường ngoài Trung Quốc lại có nhiều cái nhìn trái chiều nhau.
Một công ty sản xuất thép tại khu vực Đông Á cho biết vẫn còn hy vọng quan hệ giữa Trung Quốc và Australia tốt lên trong thời gian tới. Sau lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1/2021, Mỹ sẽ đứng ra làm trung gian hòa giải cho hai quốc gia”, nguồn tin trên cho biết.
Một công ty thương mại có trụ sở tại Singapore cũng tỏ ra khá lạc quan. “Trung Quốc sẽ nhập khẩu than trở lại từ Australia trong quý I của năm tới vì nhu cầu mặt hàng này tại đây là khá cao”.
Nhưng một nhà sản xuất than cốc tại Ấn Độ lại cho rằng Trung Quốc sẽ không gỡ bỏ lệnh cấm này sớm trong quý đầu tiên của năm 2021, và cho biết căng thẳng còn tiếp diễn.
Một nguồn tin khác tại Ấn Độ từ chối đưa ra những dự đoán. “Nếu Trung Quốc không nhập khẩu than từ Australia trong năm tới, thị trường FOB (giao hàng lên tàu) sẽ không có dấu hiệu khả quan nào. Các công ty sản xuất thép Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu than từ Australia thông qua các hợp đồng thời hạn, giờ đây họ sẽ chỉ mua sản phẩm này trên thị trường giao ngay”.
Miriam Falk, chuyên gia phân tích lĩnh vực cung ứng vật liệu thô cho ngành sản xuất thép của Fastmarkets, chia sẻ quan điểm tại hội nghị Virtual Coaltrans 2020 vào cuối tháng 11 và có những đánh giá về vấn đề này.
“Cho dù căng thẳng giữa hai quốc gia vẫn khá cao nhưng tình hình sẽ sớm có biến đổi tính đến cuối năm 2021. Chúng tôi không có một dự đoán chính xác nào về thời điểm mà lệnh cấm được gỡ bỏ, nhưng có một khả năng đó là nhà chức trách sẽ có thể ngay lập tức có những động thái khác nhau đối với các sản phẩm than luyện cốc và than phục vụ nhiệt điện. Ví dụ, họ có thể tạm thời cấp phép nhập khẩu than mỡ luyện cốc vì việc tìm được các sản phẩm than có chất lượng tương đồng với nguồn than từ Australia là rất khó đối với các nhà sản xuất thép, bên cạnh đó là việc ùn ứ các tàu chở than tại các cảng khu vực phía bắc Trung Quốc”, Falk cho biết.
“Về lâu dài, lệnh cấm sẽ có tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các công ty sản xuất thép, vốn đã rất yếu tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Đó là thực trạng mà các cơ quan chức năng phải cân nhắc khi quyết định khoảng thời gian họ muốn duy trì lệnh cấm”.
Với phần lớn các bên liên quan không kỳ vọng lệnh cấm sẽ được sớm gỡ bỏ, họ chuyển hướng sang phân tích về phản ứng của các nhà cung cấp cũng như các đơn vị nhập khẩu trong tình hình mới này.
“Nguồn cung và cầu sản phẩm than luyện cốc toàn cầu khá ổn định. Nếu như lệnh cấm này kéo dài, Canada và Mỹ sẽ xuất khẩu nhiều hơn sản lượng than giao ngay của họ sang Trung Quốc, trong khi các công ty sản xuất thép tại các thị trường không phải Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Australia. Đó là trạng thái cân bằng mới”, một nguồn tin từ Australia chia sẻ.
“Bối cảnh hiện tại là không có lợi cho các công ty sản xuất thép Trung Quốc cũng như các công ty khai thác mỏ của Australia, trong khi đó, điều này lại có lợi cho các bên khác như các công ty khai thác mỏ tại Canada và Mỹ, những bên đang bán sản phẩm than mỡ luyện cốc chất lượng cao của mình cho Trung Quốc với mức giá cao”, nguồn tin trên cho biết.
“Sự thật là cả hai quốc gia có mối quan hệ đồng phụ thuộc với nhau- chúng tôi có những nhà xuất khẩu than lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là thị trường hàng hóa lớn nhất toàn cầu, do đó, việc tìm ra sự thay thế hoàn hảo là một mục tiêu tương đối dài hạn đối với Trung Quốc”, Falk kết luận.
Nguồn: NDH.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *