Các nhà phân tích quốc tế nhận định thép cuộn cán nóng (HRC) của Nga có thể xuất hiện trên thị trường giao ngay châu Á sau khoảng thời gian 4-5 tháng do các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga ngày một mở rộng, trong khi xuất khẩu phôi thép của Nga có thể chuyển hướng sang Trung Quốc nếu nước này không giao dịch với các khách hàng truyền thống.
Do Nga chiếm khoảng 10% thương mại thép toàn cầu, và Ukraine chiếm khoảng 4%, nên sự gián đoạn nguồn cung từ khu vực này đang gây lo ngại làm xáo trộn thị trường thép thế giới.
Hôm 26/2, một tuyên bố chung về việc loại Nga ra khỏi SWIFT (Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu) đã được nhất trí bởi Mỹ, Ủy ban châu Âu, Pháp, Đức, Italia, Anh và Canada, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga đồng thời cũng tác động không nhỏ đến nền kinh tế thế giới, trong đó có cả những nền kinh tế đưa ra quyết định này.
Danh sách các ngân hàng vẫn chưa được hoàn thiện nhưng Mỹ và EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng lớn của Nga – chiếm 80% giao dịch tài chính của nước này.
Nga không phải là nước đầu tiên bị loại khỏi SWIFT. Phương Tây đã loại các ngân hàng Iran và CHDCND Triều Tiên ra khỏi hệ thống này sau khi bị EU trừng phạt vì chương trình hạt nhân. Được biết, Iran đã mất gần một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% giá trị thương mại quốc tế sau động thái này. Đến năm 2017, Iran mới được sử dụng SWIFT trở lại khi phương Tây dỡ bỏ cấm vận.
Theo Sputnik, khoảng 300 ngân hàng và tổ chức hàng đầu Nga đang sử dụng SWIFT, hơn một nửa tổ chức tín dụng Nga có đại diện trong SWIFT và Nga được xếp thứ hai về số lượng người dùng nền tảng này, chỉ sau Mỹ. Giới quan sát nhận định, biện pháp trừng phạt này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga, ảnh hưởng nặng nề đến đồng ruble.
Các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc mới đây cho biết họ đang lo ngại giá thép sẽ tăng lên, dự đoán xuất khẩu từ Nga sẽ giảm khi các ngân hàng của họ bị loại khỏi Swift. Xuất khẩu của Nga giảm dự kiến sẽ dẫn đến căng thẳng nguồn cung thép toàn cầu và làm tăng giá và khối lượng xuất khẩu thép của Trung Quốc. Trang Argusmedia dẫn lời một nhà xuất khẩu của Trung Quốc cho biết, vào thời điểm hiện tại, Nga không cung cấp hàng giao ngay và không ai sẽ cân nhắc mua hàng từ Nga. Một nhà kinh doanh khác ở miền đông Trung Quốc cho biết lệnh trừng phạt đối với quyền truy cập Swift của Nga sẽ làm tăng lạm phát giá hàng hóa, bao gồm cả lĩnh vực thép.
Giá thép HCR kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải phiên 4/3 ở mức 5.210 CNY/tấn, tăng gần 6% so với phiên 27/2 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021; thép xây dựng cũng tăng lên 5.100 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ đạt 18.775 CNY/tấn.
Sự gián đoạn xuất khẩu thép từ Nga và Ukraine đã đẩy khách hàng tìm tới những nguồn cung thay thế, nhất là Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
“Một số ngân hàng Nga đã bị trừng phạt, nhưng đó không phải là vấn đề, vì chúng tôi có thể chuyển sang các ngân hàng khác để kinh doanh. Nếu Nga bị trừng phạt về các khoản thanh toán tài chính sử dụng đô la Mỹ, theo cách của Iran, thì xuất khẩu sẽ giảm đáng kể”, nhà giao dịch có trụ sở tại miền đông Trung Quốc cho biết.
Nga không phải là nước bán nhiều thép cho châu Á trong những tháng qua do giá xuất khẩu sang khu vực này không hấp dẫn so với mặt bằng trong nước và trong khu vực. Xuất khẩu thép cây của nước này sang Hồng Kông đã giảm xuống còn 55.000 tấn vào năm ngoái sau khi tăng lên 220.000 tấn vào năm 2020. Không có doanh thu bán thép cây nào từ Nga sang Singapore trong năm ngoái.
Các nhà phân tích quốc tế nhận định, sản lượng thép tăng tại nhà máy Hòa Phát của Việt Nam, bắt đầu cung cấp thép cây cho Hồng Kông và Singapore vào năm ngoái, là một yếu tố có thể hỗ trợ thị trường châu Á trước bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào ngay lập tức của Nga. Nhưng những thay đổi đối với dòng chảy thương mại có thể xảy ra.
Hòa Phát đã sản xuất 707.000 tấn thép thô trong tháng 1/2022, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty này tháng 1 cho biết sản lượng tiêu thụ đạt 631.000 tấn, trong đó thép xây dựng chiếm 382.000 tấn, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn cung thép Nga chiếm một tỷ trọng nhỏ trong thương mại HRC ở châu Á. Nga bán khoảng 30.000 tấn thép HRC cho Việt Nam mỗi tháng. Thép Nga xuất khẩu sang Việt Nam có khối lượng hạn chế kể từ tháng 10 năm 2021 do Việt Nam có đủ nguồn cung trong nước và khu vực để đáp ứng nhu cầu của mình.
Nhập khẩu sắt thép Việt Nam từ Nga trong tháng 1/2022 là 117.549 tấn, trị giá 96 triệu USD, khối lượng tăng gần 70% so với tháng 12/2021 nhưng giảm 8% so với cùng tháng năm ngoái, đưa Nga đứng vị trí thứ 5 trong số các nhà cung cấp sắt thép cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng 11,5% về khối lượng.
Nhưng sự sụt giảm xuất khẩu HRC của Nga sang châu Âu và Mỹ có thể dẫn đến việc nhiều nhà xuất khẩu thép Ấn Độ rời khỏi khu vực châu Á để chuyển hướng bán hàng cho những khách hàng ở các khu vực đó.
Nga đã xuất khẩu 13 triệu tấn thép bán thành phẩm vào năm 2020, với Trung Quốc chiếm 6,7% tổng xuất khẩu thép của Nga. Năm 2021, Trung Quốc chiếm 5% trong tổng số 14,9 triệu tấn thép bán thành phẩm xuất khẩu của Nga. Tỷ trọng xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc, phần lớn là thép bán thành phẩm mà nước này nhập khẩu từ Nga, có thể tăng lên do các lệnh trừng phạt gia tăng đối với Nga.
Hiện vẫn chưa rõ liệu những người tham gia thị trường thép châu Á, bao gồm cả ở Trung Quốc, có sẵn sàng giao dịch với các ngân hàng Nga hoặc giao dịch các mặt hàng của Nga hay không. Những người mua than luyện cốc ở Trung Quốc tuần trước đã nêu rõ lo ngại về việc mua than của Nga trong bối cảnh tài chính thương mại không chắc chắn. Họ tỏ thái độ ngần ngại như vậy bất chấp việc Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào than đá của Nga, sau khi nước này từ chối nhập khẩu than luyện cốc của Australia vào năm 2020 do căng thẳng chính trị với nước này.
Hoạt động trên thị trường sắt thép Biển Đen đã gần như dừng lại từ cuối tháng 2 do các nhà sản xuất phôi thép của Ukraine hạn chế sản xuất, khi các cảng chính ngừng hoạt động. Khách hàng cũng ngần ngại giao dịch với các nhà máy Nga vì không chắc chắn về các lệnh trừng phạt sắp tới sẽ như thế nào, trong đó một số chuyển sang các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn CafeF